banner
Thứ 3, ngày 5 tháng 12 năm 2023
Triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum
20-11-2023
Thực hiện Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Đề án), ngày 20 tháng 11 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4032/KH-UBND triển khai thực hiện.

Theo đó, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, về thể chế:
Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình thực hiện các nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì.
Phối hợp xây dựng, sửa đổi và bổ sung hoàn thiện cơ chế chia sẽ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương.
Thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì phù hợp với quá trình đổi mới, phát triển khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phối hợp Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu thành lập Trung tâm giao thông thông minh ITS của tỉnh theo quy định.

Thứ hai, về cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tích hợp cơ sở dữ liệu chung của ngành giao thông vận tải, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu lớn của ngành giao thông vận tải từ trung ương đến địa phương; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các lĩnh vực giao thông vận tải, giữa trung ương và địa phương;
Triển khai các phần mềm ứng dụng chuyên ngành giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ trong nước hoặc các sản phẩm và dịch vụ đã có cần cải tiến, nâng cấp nhằm đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông:
Nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng thiết bị, máy móc tự động hóa, robot hóa trong các dây chuyền thi công khép kín (robot đào hầm, in 3D cấu kiện công trình, máy rải thảm mặt đường tự động, lu tự động, máy cào bóc tái chế mặt đường...). Ưu tiên sử dụng các công nghệ mới, công nghệ nano, kết cấu và vật liệu tiên tiến có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt, nhẹ, cường độ cao, bền vững và thân thiện môi trường.
Triển khai ứng dụng BIM cho các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình.
Khuyến khích các tổ chức tư vấn thiết kế, đầu tư và các nhà thầu xây dựng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng BIM và các ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị; các ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác khảo sát, thiết kế và thi công công trình.

Thứ tư, về quản lý khai thác, bảo trì:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong đầu tư xây dựng Trung tâm giao thông thông minh quốc gia thống nhất toàn quốc (khi triển khai tại tỉnh). Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý khai thác và bảo trì theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo để dự báo các hư hỏng công trình: ứng dụng BIM cho các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý khai thác, bảo trì, các nhà đầu tư khai thác các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công - tư.
Đẩy mạnh ứng dụng các dây chuyền thi công đồng bộ, khép kín, tự động hóa, robot hóa trong công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Khuyến khích sử dụng các công nghệ và vật liệu tiên tiến, thân thiện môi trường, công nghệ Nano trong bảo trì các công trình giao thông.
Tăng cường sử dụng các trang thiết bị hiện đại đánh giá tình trạng hư hỏng và lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa công trình.

Thứ năm, về nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, trình độ cao về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; khuyến khích phương thức đối tác công - tư trong chuyển giao công nghệ.

Thứ sáu, về nhân lực: Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải. Phối hợp với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực theo hướng vừa có năng lực chuyên môn về giao thông vận tải vừa đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ bảy, về nguồn vốn: Bố trí ngân sách nhà nước phù hợp khả năng cân đối, theo phân cấp và đúng quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện Kế hoạch này. Việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật hiện hành. Đối với các nhiệm vụ do doanh nghiệp thực hiện, sử dụng nguồn kinh phí của doanh nghiệp để thực hiện.

Thứ tám, về tuyên truyền: Thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giao thông vận tải, các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung phương thức tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
Trung Hiếu
Số lượt xem:28

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tư pháp, Tầng 4, Khu nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh, tổ 8, phường Thống Nhất, tp Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Trần Minh Thắng - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862479 ; Fax: 02603.862479; Email: sotuphap-kontum@chinhphu.vn. .
5535170 Tổng số người truy cập: 543 Số người online:
TNC Phát triển: